vchat

Tiêm phòng - điều cần thiết trước khi mang thai

Sau khi đã tìm hiểu kỹ về gia phả, kiểm tra gene, chăm sóc cho sức khỏe tinh thần… bạn nghĩ mình đã sẵn sàng để có thai. Chưa chắc đâu nhé! Còn một việc nữa mà bạn cần làm nữa, đó là đi tiêm phòng trước khi mang thai.
Vaccine sẽ bảo vệ bạn khỏi một số bệnh có thể gặp trong thai kỳ và giúp con bạn được an toàn. Một xét nghiệm máu đơn giản sẽ xác định được khả năng miễn dịch của bạn đối với các bệnh, để từ đó bác sỹ sẽ biết và chỉ định cho bạn tiêm thêm các loại vaccine phù hợp. 

Vaccine phòng ngừa bệnh thủy đậu (varicella)
 
Hồi bé bạn đã thoát được bệnh thủy đậu trong khi tất cả đám bạn cùng chơi đều đỏ lốm đốm hết cả người? Bạn thật may mắn, nhưng chỉ vào lúc đó mà thôi, chứ với hiện tại, điều này có nghĩa cơ thể bạn đang không có được sự miễn dịch với bệnh. Kể cả khi đã tiêm chủng ngừa vaccine varicella lúc trước, bạn vẫn có thể cần được tiêm lại nếu vaccine đã hết tác dụng. 

Khi đang mang thai mà lại bị thủy đậu thì bệnh không còn đơn giản khiến bạn gặp bất tiện trong sinh hoạt, làm việc, mà là một vấn đề hết sức nghiêm trọng cho con. Vậy nên nếu xét nghiệm máu cho thấy bạn chưa được miễn dịch với bệnh thủy đậu thì buộc phải tiêm vaccine thôi. Bạn sẽ cần tiêm hai liều, cách nhau khoảng 4-8 tuần; sau đó, nếu có thể, bạn hãy lùi thời gian mang thai lại đến sau lần tiêm thứ hai khoảng 1 tháng (tuy rằng nếu có sớm trước hạn này thì bạn cũng đừng lo lắng nhiều). 


Sởi, quai bị, rubella (MMR) 
Không chỉ gây khó chịu, bất tiện cho mẹ mà nhóm ba bệnh này (hay German measles) còn có thể gây nên nhiều biến chứng trong thai kỳ và dị tật bẩm sinh cho bé. Vậy nên bảo đảm bạn được tiêm chủng đầy đủ trước khi mang thai. Luôn nhớ rằng kể cả khi bạn đã tiêm phòng MMR lúc còn nhỏ thì đôi khi vaccine cũng có thể đã hết tác dụng, nên tốt nhất bạn hãy xét nghiệm máu để có thể tiêm lại nếu cần và cố gắng chờ 1 tháng sau hãy cố gắng mang thai. 

Bộ ba uốn ván, bạch hầu, ho gà 
Nếu bạn đã không tiêm phòng uốn ván trong vòng 10 năm trở lại đây thì bây giờ là lúc thích hợp để bạn được bảo vệ rồi đấy, không chỉ cho bản thân mà còn cho con yêu nữa. Bệnh uốn ván có thể dẫn đến nhiều biểu hiện đáng sợ như cứng đờ người, khóa hàm, sốt… gây nên những biến chứng nghiêm trọng với thai nhi. Hãy để vaccine bảo vệ bạn không bị bệnh này kể cả nếu có bị tiếp xúc với độc tố uốn ván qua vết thương hở. 

Hãy hỏi bác sỹ về loại vaccine có thể đồng thời giúp bạn tránh được cả ba bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Tuy ho gà không nghiêm trọng lắm với người lớn nhưng lại rất nguy hiểm với trẻ sơ sinh. 

Viêm gan B
 
Nếu bạn nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm loại virus này (chẳng hạn nếu bạn là nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với máu và các chất dịch cơ thể khác của người khác, hoặc gia đình có người bị viêm gan B…) thì tốt hơn hết hãy đi tiêm phòng ngay. Viêm gan B có thể truyền từ mẹ sang thai nhi, có thể gây sinh non. Loại vaccine này bạn cần tiêm 3 mũi, không nhất thiết phải hoàn tất toàn bộ trước khi thụ thai mà vẫn có thể tiếp tục tiêm trong quá trình mang thai. 

HPV (human papillomavirus)
 
Nếu bạn dưới 26 tuổi, hãy hỏi bác sỹ xem bạn có cần tiêm vaccine phòng HPV hay không để được bảo vệ chống lại các bệnh như ung thư cổ tử cung hay mụn cóc sinh dục… Nếu quyết định tiêm, hãy nhớ là bạn cần đến ba liều thuốc và các chuyên gia đều khuyên rằng bạn không nên tiêm vaccine này khi đang mang thai nên hãy thu xếp thời gian. Trong trường hợp nếu bạn đã “nhỡ” khi vẫn chưa hoàn thành đủ các liều tiêm thì có thể hoãn lại và hoàn tất sau khi sinh xong. 

Ngoài ra, trong khi bạn tiêm phòng, chồng bạn cũng cần tham khảo với bác sỹ để xem liệu anh ấy có cần vén tay áo lên tiêm vài mũi, để bảo vệ không chỉ một mình anh ấy mà còn cả gia đình, với đứa con tương lai. Cuối cùng , trước khi rời khỏi phòng bác sỹ, hãy nhớ hỏi xem khi nào thì các bạn cần quay lại đây và khi nào thì các bạn được “bật đèn xanh” cho cuộc hành trình tìm con nữa nhé.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét