vchat

Những thức ăn của mẹ khiến con khóc dạ đề

Có một số trẻ đặc biệt nhạy cảm với một số loại thức ăn. Nếu mẹ ăn những thức ăn này rồi cho con bú sau khoảng 2 giờ (khoảng thời gian đủ để tiêu hóa), bé có thể làm loạn lên ngay đấy.




Đó thường là: 
  • Các chế phẩm sữa – nguồn protein có khả năng gây dị ứng có trong các chế phẩm sữa có thể xuất hiện trong sữa mẹ và khiến bé khó chịu;
  • Các thực phẩm của chứa caffein – như các loại nước ngọt, sô-cô-la, cà phê, trà và một số loại thuốc chữa cảm cúm. Một số bé có thể nhạy cảm với caffeine hơn những bé khác, nhưng thường thì mẹ phải tiếp nhận vào cơ thể một lượng lớn chất này thì mới ảnh hưởng đến con;
  • Ngũ cốc – những loại ngũ cốc dễ gây dị ứng nhất bao gồm lúa mì, bắp, đậu phộng, đậu nành;
  • Thức ăn nhiều gia vị, nhiều tỏi có thể khiến sữa mẹ có vị khác lạ, đôi khi có thể gây khó chịu trong dạ dày của bé, dẫn đến bé từ chối bú hoặc khóc không thể dỗ được.
  • Thức ăn gây đầy hơi – những loại rau củ như hành tây, bông cải xanh, ớt chuông xanh, súp lơ, bắp cải… khi ăn sống có thể khiến bé khó chịu, nhưng sẽ đỡ hơn khi được nấu lên. Tuy vậy, nếu con bạn khóc dạ đề thì những loại rau này cũng cần được xét đến.

  • Làm sao để biết con không chịu món nào? 

    Bạn hãy theo kỹ thuật 3 bước đơn giản dưới đây để nhận diện trong chế độ ăn của mình, cũng như trong chế độ ăn dặm thêm của con, các loại thực phẩm có thể khiến bé khó chịu. 

    Bước 1: Ghi lại 
    Bạn hãy ghi lại những loại thực phẩm nhiều nguy cơ như đã kể trên khi dùng chúng để chế biến các bữa ăn cho mình và con. Bên cạnh đó, hãy ghi ra cả những triệu chứng khó chịu của con như cáu gắt, khóc gào, người sưng lên, bị tiêu chảy hoặc táo bón nặng, đầy hơi, thức giấc lúc nửa đêm không rõ nguyên do, hoặc có vòng màu đỏ quanh hậu môn của con. 

    Bước 2: Loại trừ 
    Bạn hãy thử loại trừ từng “nghi phạm” một (hoặc loại hết nếu cảm thấy tình hình nghiêm trọng) khỏi chế độ ăn của mình, bắt đầu từ các chế phẩm sữa bò, trong khoảng 10-14 ngày. Hãy quan sát con xem các dấu hiệu khó chịu có giảm đi hoặc biến mất hay không. Nếu không, bạn hãy loại trừ sang các thực phẩm nghi ngờ khác. Khi đã xác định được “thủ phạm”, hãy tiếp sang bước 3. 

    Bước 3: Kiểm tra
     
    Khi một vài hoặc toàn bộ những triệu chứng khó chịu của con giảm đi (có thể mất khoảng 1 tuần hoặc hơn), bạn có thể thách thức bằng cách thử dùng lại loại thực phẩm đáng ngờ vừa nhận diện được. Nếu các triệu chứng của con xuất hiện lại trong vòng 24 giờ, hãy tạm thời loại bỏ loại thực phẩn này khỏi chế độ ăn của mình. Tuy nhiên, hãy thận trọng nhé, nhất là trong giai đoạn kiểm tra này. Tình yêu con rất dễ khiến bạn cảm thấy xót xa và nhanh chóng khẳng định một vài loại thức ăn nào đó là nguyên nhân khiến con khó chịu và loại bỏ thẳng tay. Việc “giết nhầm còn hơn bỏ sót” quá đà có thể khiến bạn và con bị thiếu hụt nhiều dưỡng chất quan trọng một cách vô duyên cớ. Và kể cả khi bạn đã chắc chắn về loại thức ăn khiến con khó chịu thì hầu hết các bé chỉ “ghét” chúng trong 1 khoảng thời gian chứ không phải là mãi mãi, nên thỉnh thoảng bạn có thể thử dùng lại xem sao. 
     

    Và nhìn chung, bạn đừng ăn một loại thực phẩm nào quá nhiều. Có những bé đặc biệt nhạy cảm với thành phần thức ăn, nhưng hầu hết các bé sẽ chỉ phản ứng khi mẹ ăn hoặc uống một lượng lớn thực phẩm nào đó hàng ngày, còn nếu một lượng nhỏ thì không sao. 

    Nếu bạn đã ăn ít đi rồi mà tình trạng của con vẫn không cải thiện, hãy đến gặp bác sỹ để được tư vấn thêm và chắc chắn kỹ thuật cho bú của bạn không phải là vấn đề. Bạn cũng nên tham khảo chuyên gia dinh dưỡng để bảo đảm chế độ ăn lành mạnh và đủ chất cho mình trong khi đã loại bỏ một số loại thực phẩm nguy cơ. Và quan trọng không kém là bạn đừng để nỗi sợ cản trở, khiến bạn ngần ngại việc cho con bú nhé.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét